Cập nhật lần cuối: 14/01/2023
Nhiệt miệng khi mang thai tuy không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng vẫn khiến mẹ bầu lo lắng. Đối với người bình thường, sử dụng thuốc bôi là cách tiện lợi và hiệu quả trong việc chữa nhiệt miệng. Tuy nhiên bà bầu lại là đối tượng được khuyến cáo hạn chế sử dụng một số loại thuốc nên việc bà bầu có được bôi thuốc nhiệt miệng không cần có chỉ định của bác sĩ.
Vậy hiện nay có loại thuốc nhiệt miệng nào có thể sử dụng an toàn cho phụ nữ mang thai và có cách nào chữa nhiệt miệng tự nhiên mà không cần dùng thuốc không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ những thắc mắc liên quan đến vấn đề chữa nhiệt miệng cho bà bầu nhé!
Nhiệt miệng ảnh hưởng thế nào đến bà bầu và thai nhi?
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có những thay đổi nhất định, nên không tránh khỏi nguy cơ gặp một số vấn đề về sức khỏe, mà cụ thể là nhiệt miệng.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu nhiệt miệng có rất nhiều, trong đó có thể kể đến như sự thay đổi nội tiết tố, thiếu nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin B12, kẽm, ăn uống không hợp lý hoặc ăn nhiều đồ cay nóng, có tính nhiệt…
Bên cạnh đó, mẹ bầu thường xuyên bị stress, căng thẳng khiến chức năng miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn có hại tấn công lưỡi và miệng, gây ra những vết lở nhỏ trong khoang miệng mà chúng ta thường gọi là nhiệt miệng.
Nhiệt miệng là vấn đề phổ biến ở phụ nữ khi mang thai. Bất kỳ mẹ bầu nào cũng có thể một hoặc vài lần bị nhiệt miệng trong suốt thai kỳ của mình. Vậy nhiệt miệng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi không?
Thực tế, nhiệt miệng thường gây ra cảm giác khó chịu, bất tiện nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, vì trong giai đoạn mang thai, các mẹ thường hạn chế sử dụng thuốc tây nên tình trạng nhiệt miệng có thể kéo dài hơn một chút, khiến mẹ bầu ăn uống không ngon miệng, mệt mỏi và đau đớn.
Bà bầu có được bôi thuốc nhiệt miệng không?
Như vừa trình bày, phụ nữ mang thai thường được khuyên không nên có bất kỳ sự can thiệp nào đến cơ thể và hạn chế sử dụng một số thuốc tây, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ.
Chính vì vậy, với thắc mắc “Bà bầu có được bôi thuốc nhiệt miệng không”, chúng ta có thể hiểu rằng điều này là không nên. Vì trong thuốc chữa nhiệt miệng có thể chứa những thành phần ảnh hưởng đến thai nhi nên mẹ cần hạn chế sử dụng nhé.
Lúc này, bạn có thể sử dụng một số bài thuốc chữa nhiệt miệng dân gian, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, có sẵn ngay trong chính ngôi nhà của mình để xoa dịu cảm giác khó chịu do nhiệt miệng gây nên.
Trường hợp mẹ bầu có nhu cầu dùng thuốc để nhanh khỏi, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn một số loại thuốc bôi nhiệt miệng cho bà bầu an toàn. Tuyệt đối đừng tự ý mua thuốc trị nhiệt miệng mà chưa có kê đơn của bác sĩ.
3 cách giảm sưng đau hiệu quả khi bị nhiệt miệng
Vết nhiệt miệng khiến bà bầu cảm thấy đau mỗi khi ăn uống hay đánh răng. Vì vậy việc giảm sưng đau do các vết lở loét là cần thiết, giúp bà bầu dễ chịu và thoải mái hơn.
-
Súc miệng bằng nước muối loãng
Khi bị nhiệt miệng, chị em có thể pha nước muối loãng để súc miệng nhiều lần trong ngày, hoặc tiện lợi hơn bạn có thể mua 1 chai nước muối sinh lý chuyên dùng để súc miệng tại các hiệu thuốc.
Muối có khả năng sát trùng tốt sẽ giúp tiêu diệt bớt những vi khuẩn có hại xung quanh vết lở, giảm sưng đau hiệu quả.
-
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ rất quan trọng với mẹ bầu, nếu thiếu ngủ, sức khỏe sẽ giảm sút, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào vùng nhiệt miệng khiến tình trạng thêm nghiêm trọng. Do đó, mẹ bầu nhớ ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi trong bụng phát triển khỏe mạnh nhé.
-
Uống đủ nước
Để cơ thể không bị mất nước, không bị nóng trong người, cách làm đơn giản nhất là uống thật nhiều nước mỗi ngày. Ngoài ra, uống đủ nước cũng sẽ giúp bạn giảm đi phần nào cảm giác sưng đau mỗi khi ăn uống, đánh răng.
2 cách chữa nhiệt miệng cho bà bầu không cần dùng thuốc
Chữa nhiệt miệng bằng phương pháp dân gian sẽ giúp mẹ bầu yên tâm hơn vì các cách làm này rất an toàn và hiệu quả trong việc tiêu viêm, giảm sưng đau tương tự như một số loại thuốc tây.
-
Dầu dừa
Đối với phụ nữ mang thai, dầu dừa quả thật là một vị “cứu tinh” vì vừa chống rạn da, vừa chữa nhiệt miệng hiệu quả.
Bạn hãy lấy một chút dầu dừa và chấm vào vết nhiệt miệng, hoặc trộn cùng sáp ong theo tỉ lệ 2 dầu dừa – 1 sáp ong để tránh dầu dừa bị trôi đi. Áp dụng cách này 2 – 3 lần/ngày và vùng nhiệt miệng sẽ dần biến mất.
-
Mật ong
Mật ong cũng vừa là một loại thực phẩm quen thuộc, vừa là vị thuốc tự nhiên giúp điều trị hiệu quả một số bệnh thường gặp. Với mẹ bầu, mật ong tương đối an toàn, nên mẹ có thể yên tâm sử dụng để trị nhiệt miệng.
Trước khi sử dụng mật ong bạn cần súc miệng sạch sẽ bằng nước ấm, sau đó bôi trực tiếp mật ong lên vết lở. Cứ thế áp dụng trong 2 – 3 ngày, mỗi ngày vài lần để vết lở nhanh chóng lành miệng.
Với những cách đơn giản như trên, mẹ bầu có thể yên tâm “xử lý” nhiệt miệng một cách an toàn và hiệu quả, không lo ảnh hưởng đến bé yêu trong bụng. Ngoài những cách chữa nhiệt miệng kể trên, các bà mẹ có thể tham khảo bài viết Bà bầu bị nhiệt miệng nên ăn gì để vết thương mau lành nhất.
Tuy nhiên mẹ bầu cũng cần lưu ý, nếu tình trạng nhiệt miệng xuất hiện trên 2 tuần nhưng không khỏi dù đã áp dụng nhiều cách chữa trị, lúc này mẹ bầu nên đến gặp nha sĩ để được kiểm tra và điều trị.
Các mẹ bầu thân mến! Mang thai là giai đoạn quan trọng, tuy vất vả nhưng vô cùng hạnh phúc. Vì vậy khi mang thai, các mẹ cần chăm lo hơn đến sức khỏe của bản thân, đặc biệt là sức khỏe răng miệng để đảm bảo bé yêu phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện.
Nếu đang gặp phải bất kỳ vấn đề nào về răng miệng, mẹ bầu nên chủ động đến nha khoa để được thăm khám và hỗ trợ nhé.