Cập nhật lần cuối: 14/01/2023
Viêm tủy răng ở trẻ em là một trong những bệnh lý răng miệng thường gặp, thế nhưng cha mẹ lại ít khi để ý đến vấn đề này. Vậy viêm tủy răng ở trẻ em là gì? Có nên điều trị viêm tủy răng ở trẻ em không?
Hãy cùng theo dõi bài viết sau để để hiểu rõ hơn nhé.
1. Bệnh viêm tủy răng ở trẻ em là gì?
Tủy răng là bộ phận nằm ở trong cùng của răng, bao gồm buồng tủy và hệ thống ống tủy, có chức năng dẫn truyền thần kinh và nuôi dưỡng răng. Tủy răng được bảo vệ bởi lớp men răng và ngà răng bên ngoài nên khi lớp vỏ bọc này bị phá hủy, lâu ngày tủy răng cũng sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến viêm tủy răng.
Bệnh viêm tủy răng hiện nay thường xảy ra rất phổ biến ở lứa tuổi trẻ em. Bệnh sẽ diễn biến qua 3 giai đoạn: viêm tủy có hồi phục; viêm tủy không hồi phục và hoại tử tủy.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tủy răng ở trẻ em
Bệnh viêm tủy răng là bệnh lý răng miệng rất phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân gây ra viêm tủy răng ở trẻ em đa số là do sâu răng không được điều trị sớm khiến tình trạng trở nên trầm trọng. Lúc đó, sâu răng sẽ biến chứng sang viêm tủy, vi khuẩn sâu răng sẽ tấn công vào tủy đi qua ống ngà được gọi là sâu ngà hoặc đi qua lỗ chân răng được gọi là bệnh nha chu
- Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến bệnh viêm tủy răng ở trẻ em là do chấn thương. Nghĩa là trẻ bị thương gây tổn hại đến răng như gãy răng, vỡ răng hoặc chảy máu chân răng.
3. Có nên điều trị viêm tủy răng ở trẻ em?
Bệnh viêm tủy răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra viêm tủy cấp, sau đó tủy sẽ bị hoại tử dần dẫn đến viêm tủy mãn tính rồi đến tủy chết. Những chất hoại tử của tủy răng có thể thoát qua lỗ chóp chân răng gây nên những bệnh lý vùng quanh chóp, viêm tổ chức liên kết, viêm xương hàm…, hoặc tụ lại ở chân răng tạo nên u hạt, nang chân răng….
Biến chứng nặng của bệnh viêm tủy răng đó là mất răng. Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể gây những biến chứng ở xa như viêm xoang hàm, viêm nội tâm mạc… Vì thế, các bác sĩ khẳng định, điều trị viêm tủy răng ở trẻ em sớm là điều cần thiết để giữ răng sữa không phải nhổ. Bởi vì, nếu răng sữa nhổ sớm, đặc biệt là răng hàm ở trong sẽ gây ra những hậu quả sau:
- Răng sữa tồn tại trên cung hàm tới 13 năm, nếu bé bị nhổ răng sữa sớm thì bé ăn cũng không ngon và hệ tiêu hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Răng sữa có vai trò định hướng cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí sau này. Nếu răng sữa bị nhổ sớm, lỗ nhổ răng đó bị bít lại và cứng chắc. Sau này, khi răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn, mọc chậm và có thể sẽ mọc lệch.
- Răng sữa còn giúp xương hàm phát triển. Động tác nhai, cắn thức ăn kích thích cho xương hàm phát triển. Nếu không có răng, bé sẽ nuốt ngay thức ăn, xương hàm sẽ không được hoạt động để phát triển lớn lên cùng với cơ thể của bé.
- Răng sữa cũng là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ thống phát âm của trẻ, bên cạnh lưỡi, họng, cuống họng, dây thanh quản… Nếu thiếu răng, đặc biệt là thiếu nhiều răng, bé sẽ không thể phát âm được tròn tiếng. Sâu răng sữa sớm là một trong những nguyên nhân khiến hàm răng vĩnh viễn sau này bị lệch lạc.
Bạn nên dành thời gian xem thêm các bài viết khác trong chuyên mục Kiến thức nha khoa để biết thêm nhiều thông tin hay, thiết thực do các bác sĩ hàng đầu chuyên ngành nha khoa chia sẻ đã được chúng tôi tổng hợp lại!
4. Cách điều trị viêm tủy răng ở trẻ em
Với sự phát triển của công nghệ nha khoa hiện nay, việc điều trị viêm tủy răng ở trẻ em hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến dây thần kinh như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, điều trị viêm tủy răng ở trẻ em cũng là một trong những kỹ thuật phức tạp, mất thời gian và đòi hỏi bác sĩ nhiều kinh nghiệm. Tùy vào cấp độ viêm tủy mà việc điều trị viêm tủy răng ở trẻ em có các loại sau:
Che tủy gián tiếp và trám răng

Được chỉ định cho các trường hợp lỗ sâu sát tủy. Calcium Hydroxie sẽ được đặt lên phần ngà mềm, sau đó đặt Eugenate trong vòng ít 6 tuần. Và cuối cùng răng sữa được trám lại bằng GIC.
Lấy tủy buồng và trám răng
Được chỉ định cho những trường hợp tủy buồng bị viêm còn tủy ở phần chân răng vẫn khỏe. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy đi phần tủy bị nhiễm trùng và bảo tồn phần tủy chân răng chưa nhiềm trùng. Sau đó dùng Formocresol đặt ở đầu ống tủy, trám lại bằng Eugenate và cuối cùng là trám lại bằng GIC.
Lấy tủy toàn phần
Được chỉ định cho các trường hợp răng có triệu chứng viêm tủy mãn tính hoặc tủy răng bị hoại tử (đau răng tự phát, đau về đêm, sưng, lung lay, có mủ ở khe nướu). Toàn bộ phần tủy răng sẽ được lấy đi, sau đó trám bít các ống tủy chân răng bằng Reinfored zinc oxide và eugenol. Cuối cùng trám lại bằng GIC.
Điều trị viêm tủy răng ở trẻ em
Với trẻ nhỏ, việc điều trị tủy răng là một vấn đề khó khăn và thử thách cho các bác sĩ, vì các bé thường sợ đau và bất hợp tác với bác sĩ. Do đó, cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ và chọn một trung tâm nha khoa chuyên điều trị về răng trẻ em.
Có thể bạn quan tâm: Điều trị tủy răng có đau không?
Qua bài viết trên, hy vọng các bậc phụ huynh đã có câu trả lời cho vấn đề: Có nên điều trị viêm tủy răng ở trẻ em không?